Hoa sen - hoa súng

Tuesday, February 22, 2005

Bông sen

Là loại cây thân mềm sống chủ yếu ở dưới nước. Sen có giống màu đỏ, cánh kép gọi là quì. Một giống khác có thân, lá, hoa đều nhỏ gọi là sen tịch thượng, được trồng vào chậu nước hay bể cạn. Có thuyết cho rằng sen đã có mặt trên trái đất hàng trăm triệu năm trước đây.

Ở Việt Nam, hoa sen được xếp vào bộ tứ quí (bốn mùa): lan, sen, cúc, mai và còn là biểu tượng của mùa hạ và được xếp vào hàng "tứ quân tử" là tùng, trúc, sen, cúc. Hoa sen có mùi thơm dịu nhẹ. Cây sen có rất nhiều tác dụng. Hoa sen thường dùng để thờ cúng. Nhụy sen có những hạt trắng dùng để ướp với trà làm thành trà sen. Lá sen dùng để gói hàng, gói cốm. Hạt sen dùng làm một vị thuốc bổ, để nấu chè, hầm chim, gà... Tâm sen phơi khô, sắc uống có tác dụng an thần.

Cây sen rất ưa ánh sáng. Hoa sen nở về mùa hè. Vào mùa hoa sen nở, hương sen thoang thoảng thơm trong gió bay xa hàng trăm mét.

(Du Lịch Việt Nam)



Bông sen

"Tháp Mười đẹp nhất bông sen..."

Đó là một trong nhiều điều tôi tò mò muốn biết khi về thăm Đồng Tháp Mười, vì từ bé đến giờ tôi chưa hề thấy sen mọc hoang. Ở Huế cũng như khắp các làng quê miền Bắc, miền Trung tôi đã đi qua, sen được trồng trong những đầm, hồ dành riêng, không xen lẫn với các loài thủy thực vật khác, và nhất là không tự mọc theo kiểu cây dại. Mùa thu mặt hồ xanh biếc vắng lặng làm bâng khuâng, tưởng như linh hồn bông sen đã lặn về ẩn náu đâu dưới thủy cung.

Về Đồng Tháp Mười mới biết, ở đây sen nở mênh mông chi địa, chung sống không nề hà cùng lau sậy, cỏ lác, cỏ năn... tự mình thơm ngát giữa đầm lầy. Liên tưởng tới câu ca dao ngợi khen phẩm chất bông sen thuộc lòng từ nhỏ, "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", tôi chợt thấy buồn cười vì một điều vô nghĩa đã tồn tại quá lâu trong văn chương.

Không thể bảo rằng bông sen "gần bùn" bởi vì sen chính là từ bùn ngoi lên, được bùn nuôi dưỡng, thậm chí được dành một cọng riêng không chung với lá nhờ thế mà đủ sống, mà thơm tho gởi hương cho gió. Mẹ vắt mình nuôi con khôn lớn thành đạt làm quan, con bước lên thượng lưu xã hội, cúi xuống ngửi ngửi mùi mồ hôi trên áo mẹ, chê là hôi hám. Ăn ở bất hiếu bất nghĩa như vậy, đâu phải là phẩm chất của bông sen? Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, chỉ bùn cống rãnh mới dơ bẩn; còn bùn dưới đáy hồ sâu nơi sen mọc, tinh sạch thế, có gì đâu mà "hôi tanh"? Có lần tôi về tận chót Mũi Cà Mau, bì bõm lội giữa bãi bùn mênh mông, chỉ thấy ngất ngây một mùi phù sa đôn hậu. Về Tháp Mười lần này, tôi được nếm món thịt chuột ram mỡ nhấm với rượu đế nơi một quán cóc ven kênh Tư Mới. Thú thực, vừa nghe tới "chuột" là tôi thấy ớn; nhưng ăn vào thì lại là chuyện khác! Chỉ chuột cống rãnh mới ghê tởm, còn con chuột đồng, ngẫm lại có khác chi con thỏ? Đem liên kết hai ý niệm "bùn" và "chuột" này, tôi kết luận rằng những người dân thị thành (như tôi) không được phép lầm tưởng những thứ cống rãnh phố phường với bùn đất đồng nội, nếu không muốn mang tội "trịch thượng" đối với cội nguồn. Câu nói "gần bùn, hôi tanh" gì gì đấy về bông sen quả là phảng phất miệng lưỡi của gã trịch thượng loại đó.

Thế không lẽ ca dao lại dạy cho trẻ em sự vong ơn bội nghĩa hay sao? Tôi không tin, vì ca dao tục ngữ vốn đuợc sáng tạo nên bằng đạo lý của nhân dân. Chẳng qua là mấy anh đồ Nho tự cao tự đại nào đấy đã chen vào, chính họ đã thở ra cái khẩu khí hãnh tiến và bội bạc kiểu thế này: "Một ngày dựa mạn thuyền rồng- còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài". Bài ca dao "Trong đầm gì đẹp bằng sen" cũng thuộc loại "khẩu khí" nói trên. Theo Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn học Sử yếu, bài ca dao này được kết hợp bởi hai thể Phú và Tỷ, "vừa tả hoa sen (phú), vừa ví quân tử với hoa sen (tỷ )". Quân tử bị bắt quả tang ở đây đích thị là đồ Nho rồi, còn ai vào đấy nữa! Sự lỡ miệng nằm trong câu cuối (gần bùn, hôi tanh) để phá vỡ hình tượng cao quí của bông sen trong toàn bài, khiến thi sĩ Phùng Quán đùng đùng nổi giận "Tất cả là trong cái chữ gần. Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột "những manh tâm bội nghĩa vong ân", và bởi thế, Quán đòi: "Nhân danh bùn- nhân danh sen- Tôi đề nghị đuổi câu thơ phản trắc này ra khỏi kho báu nhân dân" (Thơ Phùng Quán- NXB Hội Nhà văn). Thực ra, Bông Sen vẫn là biểu tượng tâm linh của Phật giáo; nhưng Phật giáo không nói "gần bùn", mà nói "từ bùn mọc ra- liên hoa xuất ư nê" như bài kệ của thiền sư Minh Lương (thế kỷ XVII). Tiếc thay, hình tượng bông sen được tôn vinh theo kiểu đó đã tiếp tục lừa dối quá lâu trong sách vở xưa nay.

Đó là câu chuyện Nhàn đàm giữa anh Hồ Bông và tôi trong chuyến giao du về xứ Đồng Tháp Mười quê hương anh. Nhạc sĩ Hồ Bông nguyên là Trưởng đoàn ca múa nhạc Bông Sen, suốt đời nâng niu lòai hoa đẹp nhất Tháp Mười này. Vậy nên mỗi lần mở màn giới thiệu đoàn nghệ thuật của mình trước công chúng, anh vẫn đọc bài thơ Bông Sen, với câu cuối đầy trìu mến như sau:

"Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Từ bùn nên vẫn đạm thanh hương bùn"

Tất nhiên câu khẩu hứng của anh Hồ Bông chưa hay, thậm chí chưa đủ sức thay thế nguyên bản. Nhưng tôi tâm phục tấm lòng "biết ơn bùn- đất" nơi con người nghệ sĩ Hồ Bông. Đúng, sen có đức giáo hóa, có đức khiêm nhường, thanh khiết hơn mọi hoa khác, dù nó mau tàn, người ta vẫn thích chọn hoa sen làm hoa dâng cúng Phật.

(Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Hoa súng





Cây súng là một giống cây mọc ở dưới nước (ao, hồ, đầm, phá). Thân củ to bằng quả trứng dưới mặt đất, lá nổi trên mặt nước. Hoa súng màu tím có nhiều lá noãn gắn vào nhau thành một bầu nhiều ô, hoa có 4 lá dài, 10 - 30 cánh hoa, 10 - 50 nhị. Hoa súng để làm cảnh trong các bể trước chùa hay ao đình.

Những gia đình có bể nước với hòn non bộ, người ta hay trồng hoa súng. Trên một gốc súng, bao giờ cũng có một cặp hai bông súng mọc và tàn cùng. Vì hoa mọc trong nước nên khi cắt hoa để cắm vào lọ sẽ không được bền lâu.

Có hai loại cây súng: súng sen được trồng ở trong các hồ nước ở đình, chùa, ao làng, cho hoa tím đỏ và to; súng dại là loại cho hoa màu trắng hoặc tím. Cây súng dại cuống lá nhỏ, hoa nhỏ mọc dại ở các đầm, phá, mương nước (có vùng gọi cây này là cây trang). Người miền Nam hay dùng thân cây súng sen để làm rau sống. Củ súng sen là một vị thuốc bổ thận có tên là khiếm thực, có thể luộc ăn rất ngon và bùi.

Muốn ăn bông súng, mắm kho
Thì vô Ðồng Tháp ăn no đã thèm.
(Ca dao)

(Du Lịch Việt Nam)




Bông hoa của những nhà hiền triết





Lotus

Le lotus en Asie = rose en Europe.

Au Vietnam, le lotus représente l'été parmi les quatre saisons de l'année avec l'orchidée, le chrysanthème et la fleur d'abricot.

Mythologie hindoue : c'est le pouvoir de création et symbole de la connaissance.

Bouddhisme : c'est l'aspiration à la pureté, l'atteinte de l'illumination.

Egype ancienne : symbole du soleil, de création et de renaissance.

Tradition chinoise : symbole de la vertu de l'homme. Li Bai, célèbre poète de la dynastie des Tang (618 - 907) : "les fleurs de lotus émergeant de l’eau claire sont totalement naturelles sans aucune taille de l’homme".

Merci Michel Klein pour cette très belle image prise au Vietnam, "une plante pour les sages : elle rend humble!!!", comme vous dites.



Hoa Sen

Hoa Sen bên châu Á tương đương với hoa hồng bên Âu châu.

Ở Việt Nam, hoa sen được xếp vào bộ tứ quý của bốn mùa : lan, sen, cúc, mai và biểu tượng cho mùa hạ.

Theo huyền thoại Ấn Ðộ, hoa Sen tượng trưng cho khả năng sáng tạo và sự hồi sinh

Theo Phật giáo, nó thể hiện 1 niềm khao khát của sự tinh khiết và giác ngộ

Theo văn minh Ai Cập xưa : sen tượng trưng cho mặt trời, cho sáng tạo và hồi sinh

Theo Lý Bạch của Trung Hoa :

Thái liên khúc

Nhược Da khê bạng thái liên nữ
Tiếu cánh hà hoa cộng nhân ngữ
Nhật chiếu tân trang thuỷ để minh
Phong phiêu hương duệ không trung cử

Ngạn thượng thuỳ gia du dã lang
Tam tam ngũ ngũ ánh thuỳ dương
Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ
Kiến thử trì trù không đoạn trường
Lý Bạch

Hái sen


Hái sen thiếu nữ bên ngòi
Cánh hoa nở với tiếng cười lao xao
Nước gương trang điểm nắng đào
Áo thơm hương lụa bay vào không gian


Bên nguồn thưởng ngoạn bao chàng
Liễu lao xao bước rộn ràng năm ba
Êm êm nhạc ngựa đường hoa
Dùng dằng ngơ ngẩn dặm xa quên về

Võ Thị Xuân Ðào (Phỏng dịch)


Cảm ơn Michel Klein cho tấm ảnh này chụp ở VN, mới nhận hôm nay. "1 bông hoa của những nhà hiền triết : nó giúp con người trở nên khiêm nhường và thanh thản hơn".

Bảo Trâm
De Saigon à Montreal via Paris

Lá sen





Cứ mỗi độ hè về, hết mùa hoa gạo tháng 3 đỏ đường làng, sau những cơn mưa đầu hè như trút nước, bầu trời ầm ầm tiếng sấm. Trên các hồ ao ven làng quê lại ngát xanh những chiếc lá sen. Lá sen ngoi ra khỏi mặt nước là xoè ngay ra hứng lấy ánh nắng mặt trời và những hạt sương rơi đêm đêm, lá sen biến chất diệp lục thành màu xanh sẫm bền vững giữa nắng mưa, để lại dấu ấn cho miền quê phong quang và yên tĩnh. Cuối tháng 4 đầu tháng 5, mùa sen trổ hoa, bông hoa sen mang hình đài sen trắng phớt tím, biểu lộ sự trong trắng, đợi chờ thuỷ chung... hương sen thơm thoảng một vùng. Lúc đó sức sống từ cây sen trên đầm sen bộc lộ hết mình, khoe sắc đua chen cùng với nắng, gió. Trong cái đẹp tuyệt vời từ ngó sen trắng nõn, đến hoa sen tuyệt vời, nào ai có biết đến lá sen. Lá sen dung dị và gợi cảm nơi miền quê yên lành. Lá sen dập dềnh ru hát trên thoáng nước tĩnh lặng. Nơi có lá sen ta chỉ nghe tiếng gió ru, cỏ non reo, tiếng ríu ríu lách tách loài côn trùng bờ nước đùa vui, hay tiếng hát lành vui của cô gái má hồng nào ngắt lá sen đội đầu trên thuyền tre lướt nhẹ giữa đầm làng hái hoa sen, thật thanh bình lá sen.

Lá sen hai mặt khác nhau, mặt trên biếc thẫm xanh xanh, mặt dưới bạc mờ phấn bụi như soi đáy nước trong veo. Thường thì lá sen vươn toả như chiếc đĩa ngọc, hứng nắng và mây trời, đảo đưa đón gió gợn lay, tô điểm cho búp sen hồng lồng lộng. Lô xô sóng gợn đẩy lá dập dềnh. Tiếng lá sen đêm đêm hứng gió mát mơn man từ bầu khí quyển, hứng cái nóng hầm hập bốc lên từ mặt nước sau một ngày nắng gắt, chúng chuyển mình xô đẩy đùa vui nhẹ lắm, cứ xào xạc và nghe lách tách lách tách, chỉ có người trồng sen là nghe rõ hơn cả.

Mùa lá sen nõn là mùa hè, sen chưa đơm hoa, mùa của nắng rực rỡ nhất trong năm. Nắng tưới xuống lá sen, hứng thổi hắt lên cao làm dịu đi màu lửa mùa hạ. Vì thế, mùa hạ ai một lần đến bên đầm sen nhìn ngắm đều thấy tâm hồn trong sáng, ngắm sen và suy tư. Cứ thế lá sen tươi mãi đến mùa thu mới chịu ngả màu ly biệt chuyển dời về với nước, lắng sâu xuống lòng hồ làm bùn nuôi cho ngó sen trắng ngần ngủ ngon dưới bùn nước suốt mùa đông, để đến khi nghe tiếng sấm mùa hè, vươn mình lên mặt nước đón chào một mùa sen mới. Lúc đó dưới trời thu, đầm sen trở nên buồn bã lắm, nước cứ ngẩn ngơ đến trong veo. Lá sen che mặt nước, làm thành chiếc nôi ngọc dịu dàng đong đưa ru ngủ giữa trưa hè cho những chú nhái bé bỏng thích nằm trên lá nhai cỏ, đớp sương. Lá sen cũng là mái lều đơn sơ mà thanh lịch của những chú ếch xanh lười lên bờ, ngồi nghe mưa roi, như tiếng trống chèo đêm hội bên làng. Lá sen đùa vui cùng với ếch nhái, thỉnh thoảng nơi lá sen che còn có những đàn cá rô đen nhánh uốn đuôi đớp bèo tấm làm tung lên những giọt nước trong veo như hạt thuỷ tinh lóng lánh. Ðêm đêm mẹ lại chèo thuyền ra đầm, mở những bông sen ướp chè, tinh mơ, khi con gà vừa gáy canh tư, mẹ lại chèo thuyền, lướt nhẹ trên đầm, lách qua từng khe nhỏ, đôi bàn tay khéo léo, nghiêng chiếc lá sen, mẹ hứng lấy những giọt sương tinh khiết sau một đêm đọng lại như viên ngọc bích, để có hàng nghìn giọt sương đem về, mẹ pha chè ướp sen mời ông bà nội và bố uống. Dù đi đâu, nơi góc bể chân trời, khó ai quên nổi đầm sen, hương sen và những chiếc lá sen che đầu bọn trẻ lúc tắm lội nơi hồ, lúc ngồi trên lưng trâu chăn trâu gặm cỏ bờ đê...

Không chỉ thế, mỗi phiên chợ quê, ai chẳng gói lá sen mùa hạ. Những hôm trời nắng, nửa buổi sáng đàn con chờ mẹ đi chợ về, chúng háo hức, mở gói xôi bọc bằng lá sen ra, mùi xôi thơm phức, hấp dẫn, hương lá sen tinh khiết sạch sẽ. Có lẽ ngoài lá sen bọc xôi ra, khó mà có lá gì, giấy gì bọc xôi ngon hơn. Ngoại thành Hà Nội từ xưa, có làng Phú Gia (phường Phú Thượng, Tây Hồ bây giờ ), hàng năm có hàng trăm người đem xôi vào nội thành bán, họ chỉ mong sớm đến mùa sen mọc, để có lá gói xôi. Xôi Phú Gia ngon có tiếng, nếu được gói vào lá sen thì hương vị còn ngon hơn lên. Dân làng mua lá sen được chuyển từ Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây... về. Xưa cũng chính do Hồ Tây sen mọc quanh bờ, nhiều lắm, cũng nhờ có sen nhiều mà dân ở đây mới có nghề bán xôi nổi tiếng ở Hà thành. Nhiều gia đình sống được, khá giả lên nhờ buôn bán lá sen, lá sen về đến đâu, sáng hôm sau đã chuyển sang người bán xôi bằng hết, cây sen có thể dùng vào các vị thuốc nam, từ ngó sen, tơ sen, đài sen, hạt sen và kể cả lá sen. Lá sen bánh tẻ còn làm được vị thuốc mát tì vị, điều hoà âm dương, hái lá sen đem về thái nhỏ, sao vàng nấu nước uống có thể giảm được huyết áp cao, bớt chóng mặt, nhức đầu, ăn ngon miệng, ngủ dễ. Công dụng của cây sen là vậy nhưng thực tình đến hôm nay sen đang bị mai một đi nhiều, đầm sen Tây Hồ còn rất ít, đang biến thành những đầm hồ câu cá, các vùng quê ao hồ cũng bị lấp đi nhiều. Sen ít đi cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến nhân hoà địa lợi, không khí bớt trong lành. Hãy có quy hoạch để đầm sen mãi mãi là biểu tượng của phong cảnh Việt Nam và để chiều chiều em gái tóc thơm mùi sả, thả xuồng lá tre, nhẹ nhàng cắt từng chiếc lá sen tươi nhất xếp vào thúng, để sáng mai tấm lá sen tròn trịa, rộng mở bao dung gói nắm xôi thơm cho học trò đến trường. Hay mớ rau tươi, cọng giá giòn tươi của các mẹ, các chị được giữ bọc khôi nguyên trong chiếc lá sen. Phiên chợ quê lại thơm thoảng, ồn ã màu lá sen và lá sen vẫn mãi có ích cho đời.

Lá sen chẳng lộng lẫy, chẳng sắc màu, nhưng rất dung dị như cô gái làng quê bước trên cánh đồng rợn lúa. Qua tháng năm, lá sen vẫn thoảng đưa trong tâm hồn ta.

Minh Nguyệt

Hoa súng làm thủy cảnh

Đưa thiên nhiên vào không gian sống
(15-08-2004) (Trân Huyền)
Quả thật, không có gì tạo cho con người cảm giác tươi mát, thư nhàn hơn là mặt nước. Chính vì vậy thủy cảnh đang trở thành xu hướng phổ biến trong kiến trúc sân vườn hiện nay.

Thủy cảnh luôn có nhiều ưu điểm để "được ưu tiên" trong kiến trúc sân vườn.

Lý tưởng nhất cho việc kiến trúc thủy cảnh là một ngôi nhà đủ rộng để thiết kế một sân vườn hay một nhà thủy tạ, nếu không chỉ một góc sân cũng được. Người ta có thể tạo một dòng suối hay một góc hồ. Phần chìm dưới nước có thể có những cụm rong rêu. Trên mặt nước, các loài sen súng được ưu tiên số một vì đẹp lá lại có hoa đẹp.

Hoa súng

Các loài hoa súng được xem là “vua” của các loài cây thủy cảnh do chủng loại rất đa dạng. Sen không được chuộng như súng vì phát triển quá mạnh, thường mọc vượt khỏi chậu tràn khắp mặt nước. Rồi các loài thủy cúc lá tròn như rau má, thủy huỳnh lá xanh mượt bông vàng. Các loại bèo to tưởng chừng như không có giá trị gì như lục bình, bèo hoa dâu, bèo tai chuột, v.v… cũng rất hữu dụng trong thủy cảnh. Cao vượt hơn trên mặt nước là các loại môn nước, thủy trúc, cây lác, v.v…

Người ta thường thiết kế sao cho cây cỏ chỉ chiếm một phần diện tích của mặt hồ, phần còn lại dành cho mặt nước. Do vậy, người ta thường trồng cây thủy cảnh vào các chậu để giới hạn sự phát triển của chúng. Ngay cả khi trồng trong chậu thì người ta cũng đặt một chậu nhỏ trồng cây vào trong một chậu lớn chứa nước. Những loài cây thủy cảnh rất dễ trồng và chăm sóc. Mỗi nửa tháng hay một tháng, người ta chỉ việc gói phân hóa học vào giấy rồi nhét dưới góc cây một lần là cây tươi tốt.

Góc nhà sẽ sống động hẳn lên khi có một tiểu cảnh sông nước.

Ngoài cây cỏ, còn có thể đặt vào hồ những vòi phun nước, những bức tượng, những chiếc tháp trang trí. Tuyệt hơn nữa, nếu như trong hồ có thêm những chú cá màu sắc sặc sỡ để vừa làm đẹp hồ vừa tránh muỗi, hoặc giả có thêm vài chú cá, chú diệc bị xén bớt lông cảnh tha thẩn tìm mồi. Trong những tòa cao ốc, người ta thường chỉ thiết kế những cái hồ chỉ chứa nước và các vật trang trí đơn giản. Tất nhiên là thủy cảnh phải kết hợp hài hòa với những lối kiến trúc sân v

ườn trên bờ.

Các chậu cây thủy cảnh có bán ở vườn Bát Tiên (số 179 Võ Thị Sáu, TP.HCM) và một số cửa hàng ở khu công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) với giá khoảng 150.000 đồng/chậu. Những loại này dễ trồng và phát triển rất nhanh.


Trân Huyền

Vì sao lá cây súng vua có thể đỡ được một người?


Nếu bảo rằng có một loài cây mà 1 chiếc lá của nó có thể đỡ được sức nặng của một người, hẳn bạn sẽ lắc đầu không tin. Nhưng quả thật có một loài cây như thế. Tên nó là súng vua, sống ở Vân Nam, Trung Quốc.

Súng vua sinh trưởng trong ao hồ. Lá cây súng vua có đường kính trên 2 m, có khi trên 3 m, nổi trên mặt nước chẳng khác gì chiếc mâm ngọc khổng lồ. Chiếc lá này có thể chở một người nặng 75 kg mà không chìm. Sức mạnh của nó chính là do cấu tạo đặc biệt của mặt dưới lá. Nếu lật ngửa lên để quan sát, ta sẽ thấy một kiểu cấu trúc đặc biệt: gân lá vừa to vừa khỏe, đồng thời xếp như kiểu xương sườn, rất giống cấu trúc dầm cầu thép, cho nên khả năng chịu lực đặc biệt lớn. Cây súng vua có nguồn gốc ở Amazon, Nam Mỹ.

Tháng 8 hàng năm, nụ hoa nhô lên khỏi mặt nước, bắt đầu nở. Bạn hãy tưởng tượng hình dáng hoa giống hệt với hoa súng thông thường, nhưng được "phóng đại" lên nhiều lần, chỉ riêng gai lông trên cuống hoa đã to như cái đinh.

Thời gian hoa nở rất ngắn, chỉ trong 2 ngày. Buổi tối ngày thứ nhất, khi mới nở hoa có màu trắng, tỏa mùi thơm như hoa bạch lan. Sáng ngày thứ hai, cánh hoa khép lại, chập tối lại nở ra, khi ấy hoa từ màu trắng chuyển dần sang màu hồng nhạt đến đỏ sẫm.

(Theo 10 vạn câu hỏi vì sao)

Lá cây súng vua (from Flower on Earth / TTVN)


Súng tím




Ảnh Huy Phong (Dalatrose.com)