Hoa sen - hoa súng

Tuesday, February 22, 2005

Lá sen





Cứ mỗi độ hè về, hết mùa hoa gạo tháng 3 đỏ đường làng, sau những cơn mưa đầu hè như trút nước, bầu trời ầm ầm tiếng sấm. Trên các hồ ao ven làng quê lại ngát xanh những chiếc lá sen. Lá sen ngoi ra khỏi mặt nước là xoè ngay ra hứng lấy ánh nắng mặt trời và những hạt sương rơi đêm đêm, lá sen biến chất diệp lục thành màu xanh sẫm bền vững giữa nắng mưa, để lại dấu ấn cho miền quê phong quang và yên tĩnh. Cuối tháng 4 đầu tháng 5, mùa sen trổ hoa, bông hoa sen mang hình đài sen trắng phớt tím, biểu lộ sự trong trắng, đợi chờ thuỷ chung... hương sen thơm thoảng một vùng. Lúc đó sức sống từ cây sen trên đầm sen bộc lộ hết mình, khoe sắc đua chen cùng với nắng, gió. Trong cái đẹp tuyệt vời từ ngó sen trắng nõn, đến hoa sen tuyệt vời, nào ai có biết đến lá sen. Lá sen dung dị và gợi cảm nơi miền quê yên lành. Lá sen dập dềnh ru hát trên thoáng nước tĩnh lặng. Nơi có lá sen ta chỉ nghe tiếng gió ru, cỏ non reo, tiếng ríu ríu lách tách loài côn trùng bờ nước đùa vui, hay tiếng hát lành vui của cô gái má hồng nào ngắt lá sen đội đầu trên thuyền tre lướt nhẹ giữa đầm làng hái hoa sen, thật thanh bình lá sen.

Lá sen hai mặt khác nhau, mặt trên biếc thẫm xanh xanh, mặt dưới bạc mờ phấn bụi như soi đáy nước trong veo. Thường thì lá sen vươn toả như chiếc đĩa ngọc, hứng nắng và mây trời, đảo đưa đón gió gợn lay, tô điểm cho búp sen hồng lồng lộng. Lô xô sóng gợn đẩy lá dập dềnh. Tiếng lá sen đêm đêm hứng gió mát mơn man từ bầu khí quyển, hứng cái nóng hầm hập bốc lên từ mặt nước sau một ngày nắng gắt, chúng chuyển mình xô đẩy đùa vui nhẹ lắm, cứ xào xạc và nghe lách tách lách tách, chỉ có người trồng sen là nghe rõ hơn cả.

Mùa lá sen nõn là mùa hè, sen chưa đơm hoa, mùa của nắng rực rỡ nhất trong năm. Nắng tưới xuống lá sen, hứng thổi hắt lên cao làm dịu đi màu lửa mùa hạ. Vì thế, mùa hạ ai một lần đến bên đầm sen nhìn ngắm đều thấy tâm hồn trong sáng, ngắm sen và suy tư. Cứ thế lá sen tươi mãi đến mùa thu mới chịu ngả màu ly biệt chuyển dời về với nước, lắng sâu xuống lòng hồ làm bùn nuôi cho ngó sen trắng ngần ngủ ngon dưới bùn nước suốt mùa đông, để đến khi nghe tiếng sấm mùa hè, vươn mình lên mặt nước đón chào một mùa sen mới. Lúc đó dưới trời thu, đầm sen trở nên buồn bã lắm, nước cứ ngẩn ngơ đến trong veo. Lá sen che mặt nước, làm thành chiếc nôi ngọc dịu dàng đong đưa ru ngủ giữa trưa hè cho những chú nhái bé bỏng thích nằm trên lá nhai cỏ, đớp sương. Lá sen cũng là mái lều đơn sơ mà thanh lịch của những chú ếch xanh lười lên bờ, ngồi nghe mưa roi, như tiếng trống chèo đêm hội bên làng. Lá sen đùa vui cùng với ếch nhái, thỉnh thoảng nơi lá sen che còn có những đàn cá rô đen nhánh uốn đuôi đớp bèo tấm làm tung lên những giọt nước trong veo như hạt thuỷ tinh lóng lánh. Ðêm đêm mẹ lại chèo thuyền ra đầm, mở những bông sen ướp chè, tinh mơ, khi con gà vừa gáy canh tư, mẹ lại chèo thuyền, lướt nhẹ trên đầm, lách qua từng khe nhỏ, đôi bàn tay khéo léo, nghiêng chiếc lá sen, mẹ hứng lấy những giọt sương tinh khiết sau một đêm đọng lại như viên ngọc bích, để có hàng nghìn giọt sương đem về, mẹ pha chè ướp sen mời ông bà nội và bố uống. Dù đi đâu, nơi góc bể chân trời, khó ai quên nổi đầm sen, hương sen và những chiếc lá sen che đầu bọn trẻ lúc tắm lội nơi hồ, lúc ngồi trên lưng trâu chăn trâu gặm cỏ bờ đê...

Không chỉ thế, mỗi phiên chợ quê, ai chẳng gói lá sen mùa hạ. Những hôm trời nắng, nửa buổi sáng đàn con chờ mẹ đi chợ về, chúng háo hức, mở gói xôi bọc bằng lá sen ra, mùi xôi thơm phức, hấp dẫn, hương lá sen tinh khiết sạch sẽ. Có lẽ ngoài lá sen bọc xôi ra, khó mà có lá gì, giấy gì bọc xôi ngon hơn. Ngoại thành Hà Nội từ xưa, có làng Phú Gia (phường Phú Thượng, Tây Hồ bây giờ ), hàng năm có hàng trăm người đem xôi vào nội thành bán, họ chỉ mong sớm đến mùa sen mọc, để có lá gói xôi. Xôi Phú Gia ngon có tiếng, nếu được gói vào lá sen thì hương vị còn ngon hơn lên. Dân làng mua lá sen được chuyển từ Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây... về. Xưa cũng chính do Hồ Tây sen mọc quanh bờ, nhiều lắm, cũng nhờ có sen nhiều mà dân ở đây mới có nghề bán xôi nổi tiếng ở Hà thành. Nhiều gia đình sống được, khá giả lên nhờ buôn bán lá sen, lá sen về đến đâu, sáng hôm sau đã chuyển sang người bán xôi bằng hết, cây sen có thể dùng vào các vị thuốc nam, từ ngó sen, tơ sen, đài sen, hạt sen và kể cả lá sen. Lá sen bánh tẻ còn làm được vị thuốc mát tì vị, điều hoà âm dương, hái lá sen đem về thái nhỏ, sao vàng nấu nước uống có thể giảm được huyết áp cao, bớt chóng mặt, nhức đầu, ăn ngon miệng, ngủ dễ. Công dụng của cây sen là vậy nhưng thực tình đến hôm nay sen đang bị mai một đi nhiều, đầm sen Tây Hồ còn rất ít, đang biến thành những đầm hồ câu cá, các vùng quê ao hồ cũng bị lấp đi nhiều. Sen ít đi cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến nhân hoà địa lợi, không khí bớt trong lành. Hãy có quy hoạch để đầm sen mãi mãi là biểu tượng của phong cảnh Việt Nam và để chiều chiều em gái tóc thơm mùi sả, thả xuồng lá tre, nhẹ nhàng cắt từng chiếc lá sen tươi nhất xếp vào thúng, để sáng mai tấm lá sen tròn trịa, rộng mở bao dung gói nắm xôi thơm cho học trò đến trường. Hay mớ rau tươi, cọng giá giòn tươi của các mẹ, các chị được giữ bọc khôi nguyên trong chiếc lá sen. Phiên chợ quê lại thơm thoảng, ồn ã màu lá sen và lá sen vẫn mãi có ích cho đời.

Lá sen chẳng lộng lẫy, chẳng sắc màu, nhưng rất dung dị như cô gái làng quê bước trên cánh đồng rợn lúa. Qua tháng năm, lá sen vẫn thoảng đưa trong tâm hồn ta.

Minh Nguyệt